Có giải tỏa được “cơn khát” văn học dành cho thiếu nhi? - Tin Tức Làm Đẹp

Có giải tỏa được “cơn khát” văn học dành cho thiếu nhi?

Hội đồng giám khảo của giải thưởng gồm 7 người: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, họa sĩ truyện tranh Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành.

Theo BTC, giải thưởng mang tên Dế Mèn vì chú dế mang biết bao ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ gắn với ruộng đồng rơm rạ, và cả những chú dế mèn nổi tiếng trong những tác phẩm văn học gắn bó với tuổi thơ.

co giai toa duoc "con khat" van hoc danh cho thieu nhi? hinh 1

Văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi đã có những tác phẩm đặc sắc như: Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Quê nội (Võ Quảng)... Thế nhưng những năm gần đây, phần lớn sách cho thiếu nhi là sách nhập khẩu. Trong nước dù đã xuất hiện một lớp nhà văn có dấu ấn khi viết cho trẻ em như: Lý Lan, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên..., nhưng đa số chỉ thử sức trên “cánh đồng” văn học thiếu nhi. Chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả gắn bó lâu nhất với trẻ em, đặc biệt ở tuổi mới lớn.

Đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, giải thưởng Dế Mèn là cách tốt nhất khuyến khích phong trào sáng tác cho các em. Hy vọng từ giải thưởng này sẽ xuất hiện những người như Nguyễn Nhật Ánh…

co giai toa duoc "con khat" van hoc danh cho thieu nhi? hinh 2
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Đồng quan điểm đó, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Lâu nay chúng ta quá tập trung vào các giải thưởng khác mà quên đi giải thưởng cho thế hệ tương lai. Giải thưởng Dế Mèn chính là một cơn mưa trên cánh đồng hạn”.

Rõ ràng, mảnh đất văn học thiếu nhi vẫn còn nhiều khoảng trống chờ các nhà văn khai phá. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, đi nhiều nước trên thế giới, khi đến khu vực sách dành cho sách thiếu nhi ông nhận ra rằng, sách dành cho thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài. Nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì dù chúng vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam và những giấc mơ khác của người Việt. Vì vậy qua cuộc thi này mong rằng sẽ bổ sung được nhiều tác phẩm hay cho trẻ em.

Những cuộc thi như Dễ Mèn sẽ là “bà đỡ” mát tay cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nhà văn Phong Điệp hy vọng, giải thưởng Dế Mèn không chỉ kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng với trẻ em mà còn là nơi phát hiện và tôn vinh tài năng của trẻ em.

Giải thưởng ấy có thể khơi gợi niềm đam mê, và cũng có thể là định hướng tương lai để các em phát triển năng lực của mình tốt hơn. “Chúng ta vẫn nói trẻ em là tương lai, cần dành những điều tốt nhất để trẻ em phát triển, nhưng môi trường văn hóa của trẻ em, cũng như để người lớn dành tâm huyết cho trẻ lại chưa thực sự được quan tâm như kỳ vọng. Tài năng trẻ như những mầm cây ở trong đất, nếu không bật lên thì rất uổng phí. Và tôi chờ đợi Dế Mèn sẽ giúp những mầm cây ấy bật lên từ đất, vươn thành những cây cổ thụ cho tương lai” - nhà văn Phong Điệp bày tỏ./.

No comments:

Powered by Blogger.